image banner
Nghề làm muối
Lượt xem: 6120

Đến thăm thôn Văn Lý, Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định vào một ngày tháng 7 oi nồng, từ đằng xa tôi đã nhìn thấy những cánh đồng muối bát ngát trời xanh, những đụn muối trắng tinh khôi và những diêm dân da ngăm đen bóng nhẫy mồ hôi.

Nghề làm muối phụ thuộc vào thời tiết, những người dân ở đây vẫn thường đùa nhau "Thiên thời địa lợi, trời bảo sao nghe vậy chứ biết làm gì hơn”. Thật vậy, hôm nào trời nắng không sao, chứ hôm nào trời bất chợt đổ cơn giông khi muối chưa đủ độ để cạo thì coi như công sức cả ngày đổ ra biển cả. Một năm chỉ làm muối được 5 đến 6 tháng mùa nắng. Hết mùa muối, họ lại phải đi tìm những công việc khác để mưu sinh. Đến mùa, họ lại trở về, cặm cụi với nghề của cha ông.

Từ sáng sớm tinh mơ, người làm muối đã phải thức giấc để bắt đầu một ngày làm việc trên cánh đồng. Đầu tiên là công đoạn làm đất, tưới nước biển lên sân phơi và rắc muối mồi. Buổi chiều từ 3h đến 4h là lúc muối lên thành hạt, diêm dân phải mau chóng gom muối về lều thu mua. Họ đều phải làm việc dưới cái nắng vì có nắng thì mới làm được muối.

Bác Vĩnh, một người dân làm muối đã gần 40 năm tâm sự: "Cái nghề này nó vất vả ghê gớm chú ạ, trời đổ nắng, người ta chạy vào nhà thì mình lại phải chạy ra, trời đổ mưa, người ta tìm chỗ trú thì mình đang trong nhà lại phải chạy thật nhanh ra đồng". Sợ nhất là những cơn mưa giông chiều, đột ngột đổ xuống cuốn phăng hết cả muối lẫn mồ hôi diêm dân.

Nghề muối ở đâu cũng vất vả nhưng ở cái xứ bắc bộ này, do độ mặn nước biển không cao nên khi đưa nước biển vào ruộng phải phơi cho ngấu nước mặn sau đó mới thu cát đưa vào bể lắng. Rồi múc nước biển xối lên cát để lọc ra nước tinh, đưa ra phơi nắng cả ngày để có hạt muối. Tất cả công đoạn đó phải diễn ra trong ngày, để sang ngày thứ 2 muối sẽ giảm vị mặn. Bởi vậy mà đời sống của những diêm dân Văn Lý càng thêm cực khổ, cả ngày quay quắt, làm việc quần quật mà thu nhập cũng đâu có cao cho cam.

Một cân muối người dân bán cho xí nghiệp chưa được 1.000 đồng, cả ngày làm hùng hục mỗi gia đình cũng chỉ được độ 100kg, nhà nào đông người thì được 150kg. Anh Thẩm vừa lau mồ hôi vừa nói như khóc "giá mà muối ăn được thay cơm thì thà để mà ăn còn hơn là bán, công sức bỏ ra mà giá trị thu về rẻ rúm quá, cả nhà 4 người đi làm từ sáng đến tối mịt mà chỉ thu được vỏn vẹn có hơn 100.000 đồng".

Bao giờ muối đắt như thóc, gạo

Nghề làm muối khó khăn, lại phụ thuộc tự nhiên, giá cả muối thấp, bấp bênh nên đời sống của người dân ở Văn Lý, Hải Hậu, Nam Định từ bao đời nay vẫn không thoái khỏi cái nghèo, cái khổ. Chẳng bao giờ người ta tìm thấy có người giàu lên nhờ làm muối. Một vài năm trước đời sống diêm dân có khá giả đôi chút khi giá muối được thu mua khá cao, nhưng thời gian gần đây muối rớt giá thảm hại. Để đổi được 1kg gạo người dân phải bán tới gần 20kg muối.

Vất vả, khó khăn là vậy, nhưng người dân cũng chẳng có nghề gì khác để mà làm, ngoài cái nghề lấy công làm lãi này. Quanh năm còng lưng, đen như cột nhà cháy, ấy vậy mà cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Mong muốn muối được giá hơn luôn là niềm ước mong của những người dân lam lũ nơi đây, bác Tiến rầu rầu nói: "Hạt muối có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đâu có thua kém gì hạt thóc hạt gạo đâu, ấy thế mà chả ai người ta quan tâm, nhà máy thì thu mua với giả rẻ mạt, mà không bán cho họ cũng chả biết bán cho ai, thôi thì đâm lao đành phải theo lao".

Đi khỏi cánh đồng muối khi những tia nắng vàng vọt cuối ngày cũng sắp tàn lụi, tôi vẫn nhìn thấy mồ hơi tuôn rơi trên những gò má đen sạm vì nắng gió. Bàn chân đất gân guốc, nhăn nheo đang lầm lũi thồ gánh những chiếc xe cút kít chở đầy muối. Không biết đến bao giờ cuộc đời của những diêm dân nơi đây mới tươi sáng như những hạt muối trắng tinh khôi này vậy.

Sưu tầm








image advertisement

image advertisement

image advertisement

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Xã Hải Lý
Địa chỉ : Xã Hải Lý - huyện Hải Hậu - tỉnh Nam Định
Điện thoại:    * Email: xahaily.hhu@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Minh Định – Chủ tịch UBND xã
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang